Kinh nghiệm tìm việc tại New Zealand cho du học sinh

Published On: 17 March, 2025

Kinh nghiệm tìm việc tại New Zealand

Để có thể làm việc đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp, ngoài năng lực của bản thân còn phụ thuộc vào nhu cầu tuyển dụng, thị trường lao động và chính sách di trú tại thời điểm đó. Những yếu tố này thay đổi khá thường xuyên. Vì vậy, không có một “công thức chuẩn” cho việc tìm việc tại New Zealand. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo những tips LV Education gợi ý dưới đây để nâng cao cơ hội có được công việc mong muốn nhé!

>>> Đọc thêm bài viết “Những điều cần biết về visa làm việc sau tốt nghiệp tại New Zealand

Tips tìm việc tại New Zealand cho du học sinh

Nghiên cứu kỹ xu hướng thị trường việc làm

Bạn có thể nghiên cứu tình hình kinh tế, thị trường lao động và nhu cầu tuyển dụng. Những kênh báo chính thống và website chính phủ New Zealand cung cấp nguồn thông tin đáng tin cậy như:

  • NZ Herald
  • Stuff
  • RNZ
  • Beehive.govt.nz
  • MBIE,…

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các trang web tuyển dụng như Seek NZ, Trade Me Jobs, Indeed NZ để nắm bắt những vị trí công việc đang tuyển dụng, yêu cầu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết. Những trang này thường có thống kê về: 

  • Ngành nghề hot
  • Mức lương trung bình theo từng khu vực
  • Đánh giá của nhân viên về các công ty.

Học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành

Tips tìm việc tại New Zealand

Kết nối với những anh/chị có kinh nghiệm là cách tuyệt vời để hiểu rõ hơn về thị trường lao động, tìm kiếm cơ hội việc làm và học hỏi thêm những kinh nghiệm quý báu trong ngành. LinkedIn là nền tảng không thể bỏ qua khi bạn muốn mở rộng networking. 

Bạn có thể:

  • Theo dõi các chuyên gia trong ngành để cập nhật xu hướng mới.
  • Tìm hiểu về nhà tuyển dụng thông qua hồ sơ LinkedIn của họ trước khi ứng tuyển. Điều này giúp bạn điều chỉnh CV và thư xin việc (cover letter) sao cho phù hợp với yêu cầu công việc và văn hóa doanh nghiệp.
  • Tham gia các nhóm ngành nghề trên LinkedIn để cập nhật thông tin về hội thảo, webinar, và các cơ hội việc làm mới.

Ngoài LinkedIn, bạn cũng có thể tham gia các hội thảo nghề nghiệp, workshop và networking event của các tổ chức như:

  • New Zealand Young Professionals Network (NZYPN)
  • Career Development Association of New Zealand (CDANZ).

Tận dụng các nguồn lực sẵn có và nâng cao kỹ năng bản thân

Các trường đại học có những phòng ban chuyên trách như Career Services, Student Hub hoặc International Student Support, nơi bạn có thể nhận được sự tư vấn miễn phí về:

  • Tư vấn định hướng nghề nghiệp: Giúp bạn hiểu rõ lộ trình nghề nghiệp phù hợp với chuyên ngành đang theo học.
  • Hỗ trợ viết CV và thư xin việc: Đội ngũ tư vấn sẽ giúp bạn chỉnh sửa CV sao cho nổi bật và phù hợp với phong cách tuyển dụng tại New Zealand.
  • Chuẩn bị cho phỏng vấn: Một số trường còn cung cấp dịch vụ mô phỏng phỏng vấn (mock interview) để giúp bạn luyện tập trước khi ứng tuyển chính thức.
  • Giới thiệu các sự kiện việc làm: Các trường thường xuyên tổ chức Career Fair (Hội chợ việc làm), nơi bạn có thể gặp gỡ nhà tuyển dụng, gửi CV trực tiếp và tìm kiếm cơ hội thực tập hoặc việc làm chính thức.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia các câu lạc bộ sinh viên liên quan đến ngành học của mình để mở rộng mối quan hệ và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Ví dụ: nếu bạn học Business Analytics, bạn có thể tham gia các nhóm Data Science Club hoặc Entrepreneurship Society để học hỏi từ những chuyên gia trong lĩnh vực.

Tích lũy kinh nghiệm làm việc ngay từ năm nhất

Một trong những yếu tố quan trọng giúp du học sinh dễ dàng xin việc sau tốt nghiệp là kinh nghiệm thực tế. Bạn có thể tích lũy kinh nghiệm thông qua:

  • Công việc làm thêm: New Zealand cho phép sinh viên quốc tế làm thêm tối đa 20 giờ/tuần trong thời gian học và toàn thời gian trong kỳ nghỉ. Những công việc như nhân viên nhà hàng, bán hàng, trợ lý nghiên cứu,… không chỉ giúp bạn có thêm thu nhập mà còn cải thiện kỹ năng mềm.
  • Thực tập (Internship): Một số ngành như IT, Business, Engineering có rất nhiều chương trình thực tập. Đây là cơ hội tốt để bạn rèn luyện kỹ năng, mở rộng quan hệ.
  • Làm tình nguyện (Volunteering): Dù không có lương, nhưng các hoạt động tình nguyện giúp bạn xây dựng CV, phát triển kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Các tổ chức như Volunteering NZ có nhiều cơ hội phù hợp với sinh viên.

Chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển chuyên nghiệp

Viết CV tìm việc tại New Zealand

Một vài lưu ý cho bạn khi viết CV và cover letter:

  • CV nên gói gọn trong 1-2 trang, tập trung vào kinh nghiệm, kỹ năng và thành tựu nổi bật.
  • Cover letter cần cá nhân hóa theo từng công việc, thể hiện rõ lý do bạn phù hợp với vị trí đó.
  • Chứng chỉ và kỹ năng bổ trợ hoặc các khóa học trên Coursera, Udemy cũng giúp hồ sơ của bạn nổi bật hơn.

Cần gửi đi bao nhiêu CV mới có thể thành công?

Không có một công thức chung nào cho hành trình tìm việc tại New Zealand cả. Bạn phải chấp nhận việc nộp đơn ứng tuyển, bị từ chối, và có thể phải làm một loạt những việc có vẻ không liên quan đến ngành học hay dự định tương lai. Tuy nhiên, chỉ cần thay đổi góc nhìn của bản thân, sẵn sàng học hỏi từ mọi môi trường thì dù có làm công việc nào chăng nữa bạn cũng sẽ có thêm kỹ năng mới để theo đuổi ước mơ của bản thân.

Bạn Võ Huỳnh Thanh Thảo – tốt nghiệp Cử nhân Thương Mại ngành Quản trị nhân sự tại đại học Victoria Wellington, chia sẻ:

“Sau hàng chục giờ đồng hồ ngồi xem YouTube về cách viết một CV tốt, mình cũng thử sức rải đâu đó tầm 30-40 đơn trong vài tuần. Nhưng vẫn không tìm được việc. Sau đó, mình tiếp tục nộp hơn 70 đơn cho những công việc bàn giấy. Tiêu chuẩn của mình hạ dần, từ đúng ngành đúng nghề nay chỉ cầu mong một chân chạy vặt pha cà phê, order văn phòng phẩm.

Cuối cùng, mình được nhận vào 1 công ty bán hàng với vị trí tư vấn chăm sóc khách hàng. Sau 11 tháng, mình quyết định thử vận may nộp lại vào những vị trí liên quan đến HR (nhân sự). Và trời không phụ lòng người, rải hơn 80 đơn một lần nữa, mình nhận được công việc HR entry level tại Human Resources New Zealand.”

Tóm lại

Công cuộc tìm việc tại New Zealand có thể ví như việc bạn lái một con tàu ra khơi. Tàu bạn có thể gặp sóng to khiến việc cầm lái có phần khó khăn, nhưng cũng sẽ có lúc gió xuôi chiều giúp tàu trôi êm. Thời tiết là yếu tố bạn không thể làm chủ. Nhưng, bánh lái là thứ luôn nằm trong tay bạn.

Và, thay vì lái tàu một mình, bạn hãy tìm cho mình bạn bè, đồng nghiệp, dịch vụ hỗ trợ sinh viên của trường để hỗ trợ. Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, hãy bắt đầu từng chút một. Cứ đi rồi sẽ đến! Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân đúng không nào?

Để lại lời nhắn của bạn