5 điều bạn nên biết trước khi học đại học tại New Zealand

Published On: 18 December, 2024

Những điều cần biết trước khi học đại học tại New Zealand

Học đại học tại New Zealand không chỉ là cơ hội học tập trong môi trường giáo dục hàng đầu mà còn là trải nghiệm sống thú vị. Tuy nhiên, để có trải nghiệm du học mượt mà, có một vài điều bạn cần lưu ý. Vậy đó là những điều gì? Cùng LV Education khám phá qua bài viết dưới đây nha!

>>> Học bổng chính phủ New Zealand bậc đại học (NZUA)

Tích cực trong các hoạt động ngoại khóa khi học đại học tại New Zealand

Thông thường, các câu lạc bộ sẽ tổ chức nhiều sự kiện nhằm khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động ngoại khóa, gắn kết cộng đồng vào mỗi học kỳ. Những hoạt động như xem phim cùng nhau, đêm quiz,… đều hỗ trợ đồ ăn thức uống cho người tham dự. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng bạn còn được nhận thêm voucher giảm giá hay đồ ăn vặt trong sự kiện.

Ngoài ra, đầu mỗi học kỳ, các trường sẽ tổ chức tuần lễ định hướng (Orientation Week) nhằm cung cấp các thông tin hữu ích cho sinh viên. Có rất nhiều hoạt động diễn ra trong khoảng thời gian này. Đặc biệt là những buổi giao lưu của khoa và văn phòng sinh viên. Bạn nhất định nên tham gia các buổi này vì nó sẽ giúp bạn biết rõ người người phụ trách và quản lý từng dịch vụ để có thể tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần.

Bên cạnh những buổi giao lưu, bạn còn có thể tham dự nhiều hoạt động vui chơi với các phần thưởng xinh xắn như túi totes, cài áo,… Mỗi buổi tối trong tuần khai giảng thì campus trường là địa điểm dành cho lễ hội, các show diễn âm nhạc và nghệ thuật.

Dịch vụ y tế của trường – Tưởng không lợi mà lợi không tưởng

Khi mới sang New Zealand, bạn sẽ rất dễ gặp các vấn đề về sức khỏe như ốm vặt, sụt cân, tâm trạng không tốt… Một phần là do thay đổi về môi trường sống, thời tiết, một phần là vì phải thức khuya chạy deadline bài vở trên trường.

Lúc này, bạn có thể tìm đến dịch vụ y tế của trường để được hỗ trợ. Mỗi trường đại học đều có một khu phòng khám riêng dành cho sinh viên. Các buổi khám và chi phí thuốc men thường sẽ được chi trả qua bảo hiểm y tế. 

Đặt lịch khám tại các cơ sở y tếcủa trường dễ dàng hơn nhiều so với việc đặt lịch khám ở bệnh viện hay phòng khám tư bên ngoài. Vì thông thường, để đặt được lịch khám tổng quát hay khám bác sĩ chuyên môn ở các trung tâm y tế khác, bạn sẽ phải mất từ 2 đến 3 tuần. Trong khi đó, nếu đặt dịch vụ y tế của trường sẽ chỉ mất từ vài ngày đến 1 tuần là bạn có thể gặp được bác sĩ đa khoa. Ngoài ra, khám ở bên ngoài cũng đắt hơn nhiều, có những chỗ đắt gấp đôi so với chi phí khám ở trường.

Bên cạnh đó, cơ sở y tế của trường còn có văn phòng và dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm sinh lý sinh viên. Vậy nên, khi nào gặp vấn đề về thể chất hay tinh thần, bạn đừng ngần ngại tìm đến các dịch vụ y tế tại trường nhé.

Tuyệt đối không đạo văn dưới bất kỳ hình thức nào

Đạo văn là một lỗi cực kỳ nghiêm trọng dù bạn học ở New Zealand hay Úc, Mỹ, Canada,… Nếu bài làm của bạn bị đánh giá là đạo văn thì bạn có thể bị đình chỉ học, hoặc thậm chí là bị đuổi học.

Có ba hình thức đạo văn phổ biến là:

  • Đạo toàn bộ tác phẩm
  • Đạo văn do không dẫn nguồn/dẫn thiếu nguồn/dẫn sai nguồn
  • Đạo văn kiểu “xào nấu” (chỉ đơn giản thay thế từ với ý nghĩa tương tự)

Để tránh vi phạm luật đạo văn, trong quá trình làm bài, bạn nên:

  • Trích dẫn nguồn: Khi sử dụng ý tưởng của người khác trong bài làm của mình thì đừng quên trích dẫn nguồn. Việc trích dẫn thế nào sẽ tùy thuộc tiêu chuẩn của trường bạn đang theo học.
  • Paraphrase theo cách hiểu của bản thân: Bạn có thể tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau từ sách, tạp chí chuyên ngành đến thông tin trên mạng, nhưng sau đó phải viết lại theo cách hiểu của bản thân. Ngoài ra, đừng quên là bạn đang sử dụng ý tưởng từ người khác nên cần phải trích dẫn nguồn thông tin nhé.
  • Sử dụng các công cụ kiểm tra đạo văn: Bạn có thể sử dụng các công cụ phát hiện đạo văn trực tuyến như Grammarly, Turnitin, Plagiarism Checker,… để kiểm tra. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những công cụ này chỉ đóng vai trò “text matching system”. Việc quyết định bài của bạn có đạo văn hay không sẽ nằm ở phía nhà trường.

Không nên có tư tưởng “nước đến chân mới nhảy”

Nhiều bạn có tư tưởng không cần phải ôn tập vội, còn 2-3 ngày đến kỳ thi mình ôn cũng chưa muộn. Tuy nhiên, đó là một suy nghĩ sai lầm. Lượng kiến thức của mỗi môn học thường rất nhiều. Bạn không chỉ đọc một quyển giáo trình mà là rất nhiều quyển. Vậy nên, nếu để “nước đến chân mới nhảy”, bạn sẽ không thể nào ôn kịp.

Do đó, tốt nhất, bạn nên chia nhỏ lượng kiến thức ra để ôn tập mỗi ngày thay vì dồn tất cả cùng lúc. Điều này giúp bạn có một tâm trạng thoải mái khi ôn tập cũng như có thể đạt được kết quả tốt nhất.

Đừng bỏ qua dịch vụ nghề nghiệp của trường

Các trường đại học đều có văn phòng định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Họ thường xuyên tổ chức các buổi workshop về: 

  • Hướng dẫn viết CV;
  • Kỹ năng trả lời phỏng vấn;
  • Cách xây dựng thương hiệu cá nhân;

Bạn nên tận dụng các dịch vụ này để giúp quá trình tìm việc sau tốt nghiệp trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt, một số trường cho phép người học được sử dụng miễn phí các dịch vụ này đến 3 năm sau tốt nghiệp.

>>> Đọc thêm bài viết “Visa làm việc sau tốt nghiệp lên đến 3 năm tại New Zealand

Tóm lại, học đại học tại New Zealand mang đến nhiều cơ hội phát triển cả về học thuật lẫn kỹ năng sống. Và, để có một trải nghiệm học tập tuyệt vời, bạn hãy lưu ngay 5 tips được gợi ý phía trên nha! Nếu bạn cần tư vấn thêm về trường, ngành học, học bổng du học New Zealand, hãy để lại thông tin cho LV Education. Nhân viên của LV sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất.

Bài viết có tham khảo thông tin từ sách “Đến New Zealand đón bình minh mới”

Để lại lời nhắn của bạn