Chọn NCEA, IB hay CIE (Cambridge) khi du học trung học New Zealand

Published On: 28 October, 2024

Chọn NCEA, IB hay CIE khi du học trung học New Zealand

New Zealand cung cấp 3 lộ trình học tập cho học sinh trung học: Chứng chỉ giáo dục quốc gia New Zealand (NCEA); Tú tài Quốc tế (IB); Kỳ thi Quốc tế Cambridge (CIE). Để giúp phụ huynh hỗ trợ các em tốt hơn trong việc lựa chọn hướng đi phù hợp, LV Education đã tổng kết những điểm mạnh và điểm yếu của NCEA, IB hay CIE (Cambridge) trong bài viết dưới đây.

>>> Đọc thêm bài viết “Du học cấp 3 New Zealand: Điều kiện, Chi phí, Học bổng

Chứng chỉ giáo dục quốc gia New Zealand (NCEA)

NCEA là chứng chỉ giáo dục quốc gia New Zealand, được sử dụng rộng rãi trong các trường trung học. Học sinh theo học sẽ được đánh giá cả nội bộ và bên ngoài.

Các đánh giá nội bộ sẽ do trường tạo ra và chấm điểm, thường dựa trên: 

  • Bài tập về nhà
  • Bài kiểm tra ở trường,… 

Giáo viên vẫn phải tuân theo hướng dẫn của NZQA, nhưng sẽ linh hoạt hơn.

Nhìn chung, việc đánh giá nội bộ không có cấu trúc rõ ràng. 

Bên cạnh đó, đánh giá bên ngoài sẽ được chấm bởi các giáo viên ở các trường khác, do NZQA tổ chức, bao gồm:

  • Các kỳ thi cuối năm (trực tuyến hoặc trên giấy);
  • Những hoạt động đánh giá chung;
  • Hồ sơ năng lực học tập;
  • Kete Manarua 

NCEA cung cấp nhiều môn học khác nhau, cho phép học sinh lựa chọn dựa trên sở thích và năng lực của bản thân. Chứng chỉ này được chia thành 3 cấp độ, với:

  • Cấp độ 1 thường được học vào năm lớp 11;
  • Cấp độ 2 vào năm lớp 12;
  • Cấp độ 3 vào năm lớp 13.

3 ưu điểm nổi bật của NCEA

Tính linh hoạt

NCEA cung cấp một cấu trúc linh hoạt, cho phép học sinh lựa chọn các môn học theo sở thích và khả năng của bản thân.

Đánh giá liên tục

Hầu hết các môn học đều có đánh giá nội bộ được tính vào điểm cuối cùng. Điều này hỗ trợ việc học tập liên tục, giúp học sinh hiểu rõ nội dung môn học.

Sự công nhận

NCEA được công nhận rộng rãi ở New Zealand. Điều này giúp học sinh dễ dàng nộp đơn vào các trường đại học, học viện công nghệ, trường đào tạo nghề,…

Những yếu tố phụ huynh và học sinh cần cân nhắc

Sự công nhận quốc tế còn hạn chế

Nếu ba mẹ có ý định cho con chuyển sang quốc gia khác sau khi kết thúc chương trình trung học tại New Zealand thì cần cân nhắc kỹ vấn đề này. Vì không phải trường đại học nào trên thế giới cũng công nhận NCEA.

Áp lực quản lý thời gian học tập

Nhiều bài tập và đánh giá nội bộ trong suốt năm học có thể gây ra khó khăn với những học sinh dễ mất tập trung hoặc không thể làm nhiều việc cùng một lúc.

Chương trình Tú tài Quốc tế (IB)

IB là bằng cấp được công nhận trên toàn cầu với chương trình giảng dạy chuẩn hóa. Chương trình bao gồm 6 nhóm môn học tự chọn:

  • Ngôn ngữ thứ nhất (ngôn ngữ chính) và văn học
  • Ngôn ngữ thứ hai (ngôn ngữ phụ)
  • Khoa học xã hội
  • Khoa học tự nhiên
  • Toán
  • Nghệ thuật

Học sinh thường chọn ít nhất 1 môn học từ mỗi nhóm. Học sinh có thể lựa chọn học các môn thuộc 6 nhóm nêu trên theo hai cấp độ: cơ bản hoặc nâng cao.

Theo lý thuyết, điểm IB có thể được sử dụng để xét tuyển vào các trường đại học. Ngoài ra, nó còn có khả năng giúp học sinh miễn giảm tín chỉ, với mức cao nhất tương đương với một nửa hoặc cả năm học đầu tiên của chương trình cử nhân.

Tuy nhiên, cách thức đánh giá điểm IB và việc xét tín chỉ sẽ khác nhau giữa các trường đại học. Vì vậy, phụ huynh và học sinh cần tìm hiểu kỹ trước khi nộp đơn vào trường mình mong muốn.

Số tín chỉ được miễn giảm trong chương trình cử nhân còn phụ thuộc vào điểm IB mà học sinh đạt được cũng như cấp độ môn học mà các em chọn.

Ưu điểm 

Được công nhận toàn cầu

Bằng IB được quốc tế đánh giá cao, giúp học sinh dễ dàng được nhận vào các trường đại học trên toàn thế giới.

Phát triển tư duy phản biện

Chương trình IB rèn luyện học sinh phát triển tư duy phản biện và các kỹ năng nghiên cứu.

Nhược điểm

Khối lượng kiến thức lớn

Tính chất của chương trình IB khá khắt khe. Điều này có thể gây nên sự căng thẳng đối với các em học sinh. Học sinh IB hiếm khi có thời gian cho thể thao, nghệ thuật hoặc hoạt động cộng đồng.

Lựa chọn môn học còn hạn chế. 

Kỳ thi Quốc tế Cambridge (CIE)

Chương trình Cambridge do Đại học Cambridge quản lý và phát triển, tập trung vào việc phát triển tư duy phản biện và khả năng viết. Điểm cuối cùng được xác định bởi các kỳ thi do Cambridge tổ chức vào cuối năm.

Hầu hết các trường sẽ có những bài kiểm tra trong quá trình học. Nhưng chúng chỉ được sử dụng để theo dõi sự tiến bộ và giúp học sinh làm quen với hình thức bài thi thật.

Ưu điểm

Tiêu chuẩn học tập cao

CIE nổi tiếng với chương trình giảng dạy nghiêm ngặt, chuẩn bị tốt cho học sinh bước vào các trường đại học danh tiếng.

Sự công nhận quốc tế

Bằng cấp này được công nhận trên toàn cầu, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận các trường đại học trên toàn thế giới.

Cung cấp kiến thức chuyên sâu

CIE cho phép học sinh nghiên cứu sâu ở các môn học đã chọn.

Nhược điểm

Thiếu tính linh hoạt

Cấu trúc của chương trình CIE có thể hạn chế tính linh hoạt của học sinh trong việc học các môn học dựa trên sở thích cá nhân.

Điểm kỳ thi quyết định tất cả

Điểm CIE dựa vào các kỳ thi cuối kỳ. Điều này có thể gây căng thẳng cho những học sinh hay bị “khớp” khi bước vào phòng thi.

Việc chọn NCEA, IB hay CIE thường được quyết định vào gần cuối năm lớp 10. Chọn hướng đi nào sẽ tùy thuộc vào sở thích cá nhân, mục tiêu giáo dục, mức độ tham gia của học sinh. LV Education hy vọng những thông tin trong bài viết này đã giúp ba mẹ và các em có thể cân nhắc tốt hơn.

Để lại lời nhắn của bạn