Học sinh Việt Nam nói gì về trải nghiệm du học New Zealand từ trung học?

Published On: 13 January, 2025

Trải nghiệm du học New Zealand từ trung học

Ba mẹ đang phân vân không biết có nên cho con du học sớm không? Hy vọng những trải nghiệm du học New Zealand từ trung học của em Hà An Nguyên (cựu học sinh trường trung học Wakatipu) sẽ giúp ba mẹ an tâm hơn về việc cho con đi du học từ bậc trung học.

>>> Đọc thêm bài viết “Du học cấp 3 New Zealand: Điều kiện, Chi phí, Học bổng

Định hướng nghề nghiệp ngay từ bậc trung học

Khoảnh khắc nhận được hợp đồng làm việc trước cả lúc tốt nghiệp đại học đã khiến em nhận ra rằng việc hướng nghiệp từ thời trung học đã chắp cánh cho bản thân bay xa hơn những gì có thể tưởng tượng. Bên cạnh các môn chính, trường em còn có hệ thống các môn nghề. Tức là nếu học sinh có nhu cầu trở thành:

  • Đầu bếp
  • Thợ mộc
  • Kỹ thuật viên sân khấu,…

thì có thể dùng các tiết học để đi học nghề tại các cơ sở đào tạo và thực tập (có lương tại chỗ làm của những đơn vị trong ngành tại địa phương. Chính sự linh hoạt này đã là yếu tố giúp bạn em trau dồi tay nghề để trở thành đại diện cho New Zealand ở đấu trường Đầu bếp trẻ thế giới 2022.

Cá nhân em gắn bó với môn Âm nhạc từ lúc nhập học đến khi tốt nghiệp. Ngoài ra, em cũng học Nhiếp ảnh và thực hành chụp hình tại các chương trình âm nhạc và kịch nghệ của trường và địa phương. Đến năm lớp 13, em cảm thấy không còn thích môn Kinh tế đã học ở lớp 12 nữa nên chuyển sang môn Phim và Truyền thông. Không ai cản trở em quyết định này của em cho dù nó chẳng liên quan đến ngành em muốn theo đuổi ở đại học là Quản trị kinh doanh.

Tuy nhiên, nhờ vậy, em hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, cũng như được cọ xát với rất nhiều tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thời điểm chọn môn học cho lớp 12 và sau đó lớp 13 thì em cũng không hề chắc chắn về định hướng đại học. Thế nên, việc được trải nghiệm nhiều nhóm kiến thức khác nhau đã giúp em có một “gia tài” phong phú để theo đuổi bất cứ điều gì bản thân muốn trong tương lai.

Tích lũy kinh nghiệm thực tế

Em đã từng sốc khi biết hệ thống NCEA của New Zealand chỉ phép học 6 môn, thế thì tụi em dùng thời gian còn lại cho việc gì?

Làm việc 

New Zealand cho phép học sinh quốc tế được làm thêm khi trên 16 tuổi, tối đa 20 giờ/tuần. Tất cả các bạn trong nhóm em đều đi làm thêm bán thời gian khi đang học phổ thông như:

  • Phục vụ bàn
  • Rửa chén
  • Thu ngân
  • Phụ bếp
  • Bán hàng,…

Gần như bạn trẻ nào ở Queenstown cũng đều trải qua công việc đầu tiên là đi giao báo từ thời tiểu học. Em có công việc đầu tiên với vị trí bán hàng lưu niệm vào năm lớp 12 và đã cải thiện vốn tiếng Anh giao tiếp nhờ việc tương tác nhiều với khách hàng.

Không chỉ có thêm một khoản thu nhập mà việc tham gia các hoạt động tình nguyện gần như là điều hiển nhiên trong suy nghĩ của các bạn em. Bên cạnh mục tiêu chính là mang lại lợi ích cho cộng đồng. Đây cũng là cơ hội để tụi em mở rộng mối quan hệ và “làm đẹp” CV, từ đó dễ xin vào làm những công việc đầu tiên nữa.

Chơi thỏa sức

Trải nghiệm du học New Zealand

Thể thao và nghệ thuật luôn được đề cao trong văn hóa New Zealand. Trường em có các đội thể thao chuyên môn và phong trào. Điều này có nghĩa là dù khả năng của học sinh ở đâu thì vẫn có thể tham gia tập luyện ở mức độ phù hợp. Môn học được ưa chuộng là Outdoor Recreation. Mỗi tuần, tụi em sẽ được ra ngoài để khám phá thế giới tự nhiên từ đi trồng cây, leo núi, chèo thuyền,…

Bên cạnh đó, mỗi năm, trường em đều đầu tư tổ chức một chương trình nhac kịch thật hoành tráng. Chưa kể, xuyên suốt trong năm là những hoạt động như cuộc thi âm nhạc, kịch nói, mỹ thuật,… Em được tin tưởng để chụp hình quảng cáo cho các buổi nhạc kịch, cũng như trở thành nhiếp ảnh gia chính thức cho cuộc thi âm nhạc Smokefree Rockquest tại Queenstown nhờ vào việc được luyện tập tay nghề liên tục khi chụp hình các buổi diễn cho các bạn của mình.

Môi trường sống an toàn, tử tế

Em khá bất ngờ vì những thông tin đầu tiên mà trường cung cấp không phải là thời khóa biểu, môn học mà là về nơi ở của em tại New Zealand. Cô phụ trách học sinh quốc tế của trường liên hệ em tận 2 tháng trước ngày em đến Queenstown để hỗ trợ em chọn host family phù hợp.

Cô hỏi mọi thứ về em từ việc em thích gì? Có thích nhà có thú cưng không? Có bị dị ứng lông thú không?,… Sau đó gửi thông tin chi tiết của chủ nhà. Việc này thúc đẩy em chủ động liên hệ trực tiếp cô chú nhà host để hai bên hiểu thêm về nhau và chuẩn bị kỹ càng nhất có thể trước khi em sang. Kết quả của việc chuẩn bị chu đáo này chính là em đã có 2,5 năm thật trọn vẹn với host family.

Ngoài ra, mỗi năm, cô chú đều đưa con đi nghỉ mát vài tuần. Thế là, em có cơ hội được ở ngắn hạn với nhiều host khác trong mạng lưới những gia đình chuyên chăm lo học sinh quốc tế của trường. Đây là cơ hội cho em rèn luyện khả năng thích ứng, học hỏi từ rất nhiều nền văn hóa cũng như lối sinh hoạt của những gia đình khác.

Em còn nhớ lần đầu tiên đến thành phố Auckland vào năm 16 tuổi. Đây cũng là lần đầu em được xem concert của ban nhạc yêu thích – Queen. Theo luật của New Zealand, em phải có người giám hộ khi đi đến các thành phố nằm ngoài phạm vi trường cấp 3 mà em đang theo học. Cô quản lý học sinh đã đi cùng em. Cô dẫn em đến những bảo tàng miễn phí ở Auckland, chỉ đường để em tự đi bộ ra sân vận động xem concert. Sau đó, cô đi chơi riêng và đến đúng giờ để cùng em đi bộ về nhà trọ khi show kết thúc gần nửa đêm. Mấy cô trò di chuyển bằng phương tiện công cộng, đúng chuẩn một chuyến phượt “bằng chân” thay vì các hình thức đắt đỏ như taxi hay Uber.

Kết luận

Ba mẹ có thể thấy, trải nghiệm du học New Zealand từ trung học không chỉ giúp các con được định hướng tương lai sớm mà còn tạo nên hành trình trưởng thành tuyệt vời cho con. Hiện tại, chính phủ New Zealand đang có chương trình học bổng NZSS dành riêng cho học sinh lớp 8, 9, 10 của Việt Nam. Trị giá học bổng là 50% học phí năm đầu tiên. Ba mẹ quan tâm có thể để lại thông tin cho LV Education.

Bài viết có tham khảo thông tin từ sách “Đến New Zealand – Đón bình minh mới”

Để lại lời nhắn của bạn